Dựng nước và giữ nước là nội dung cơ bản, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Kể từ khi hình thành quốc gia - dân tộc Việt Nam đ...
Dựng nước và giữ nước là nội dung cơ bản, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Kể từ khi hình thành quốc gia - dân tộc Việt Nam đến nay, tổ tiên, ông cha ta đã liên tục, bền bỉ, kiên cường chiến đấu chống lại các thế lực xâm lược, đô hộ để giải phóng và bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ lãnh thổ và những giá trị văn hoá của dân tộc. Qua hàng ngàn năm chống ngoại xâm, ông cha ta đã xây dựng và hun đúc thành một truyền thống văn hoá giữ nước Việt Nam.
Trong hệ thống những giá trị văn hoá giữ nước Việt Nam thì lòng yêu nước là giá trị tiêu biểu nhất, chi phối và định hướng phát triển các giá trị khác, cũng như chi phối sự phát triển của văn hoá giữ nước nói chung.
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có quan niệm về lòng yêu nước. Có dân tộc không còn đất nước thì lòng yêu nước có chăng chỉ là một sự hoài vọng về một thời xa xưa. Có dân tộc lòng yêu nước của họ lại có màu sắc chủ nghĩa đại dân tộc.
Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử, kể cả những lúc phát triển cao vẫn là một đất nước không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế, quốc phòng có hạn. Nhưng thật hiếm có một quốc gia dân tộc nào trên thế giới có đặc điểm lịch sử Việt Nam. Trong mấy ngàn năm lịch sử đã có hơn 1000 năm phải trực tiếp cầm vũ khí chống ngoại xâm. Nếu chỉ tính từ khi có sử liệu ghi chép rõ ràng thì từ cuộc kháng chiến chống Tần xâm lược của nhà nước Âu Lạc đến nay là 22 thế kỷ, dân tộc ta đã phải trực tiếp kháng chiến suốt 13 thế kỷ. Tất cả các triều đại phong kiến thống trị ở Trung Quốc: Tần, Hán, Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh - các đế chế mạnh nhất thế giới lúc đó - ít là một lần, nhiều là ba lần xâm lược thống trị nước ta. Không trực tiếp gây chiến tranh thì cũng thường xuyên nhòm ngó, khiêu khích, lấn chiếm. Đến thời cận hiện đại sau này, dân tộc ta lại phải đương đầu với những đế quốc mạnh bậc nhất thế giới: Pháp, Nhật, Mỹ.
Một đất nước sinh ra và phát triển trong cuộc vật lộn không cân sức, trải qua nhiều biến cố như vậy, cho nên, mọi hoạt động vật chất, tinh thần của dân tộc ta luôn phải tuân theo quy luật xuyên suốt: dựng nước đi đôi với giữ nước. Điều đó khiến cho nhân dân Việt Nam sớm hình thành lòng yêu nước nồng nàn với những nội dung đặc sắc.
Nền tảng và biểu hiện cao nhất của lòng yêu nước là tinh thần tự tôn, tự lập, tự cường. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, một nước nhỏ bên cạnh nước lớn luôn tìm cách xâm lược, đô hộ, đồng hoá các nước xung quanh, dân tộc ta sớm có ý thức tự lập, tự cường vươn lên đặt nước mình Nam quốc ngang hàng với Bắc quốc. Con người Việt Nam đâu phải bẩm sinh đã có tinh thần dân tộc, có ý thức tự lập, tự cường. ý thức, tinh thần đó được hình thành trong quá trình sinh tồn. Điều đặc sắc là đất nước vừa được xây dựng, lại bị kẻ ngoại xâm lớn mạnh, có nền văn hoá phát triển rực rỡ với các thủ đoạn tàn bạo, thâm độc đô hộ, mà cái nguồn mạch tự tôn, tự lập, tự cường trong nhân dân không hề bị mai một, vẫn âm thầm tồn tại, phát triển, khi có dịp lại bùng phát như lẽ tự nhiên.
Năm 40, Hai Bà Trưng khởi nghĩa với lời thề: “báo nợ nước, đem lại nghiệp xưa họ Hùng”. Dù đây là lời của Trưng Trắc, Trưng Nhị hay là lời của nhân dân, thì vẫn thể hiện ý chí độc lập, mục tiêu cứu nước, cứu nhà của cuộc tổng khởi nghĩa. Điều có ý nghĩa lớn là vào thời điểm đầu công nguyên, nước ta mới có khoảng một triệu người, giữa mênh mông hoang dã, phải đọ sức với đế chế Hán mà tổ tiên ta vẫn hiên ngang khẳng định sự tồn tại của mình, phủ nhận cái lý thuyết “bá chủ thiên hạ” của các “thiên tử” Trung hoa. ý chí đó là trường tồn, nhưng hành động giành quyền tự chủ trong tương quan lực lượng quá chênh lệch thì không thể một lần, hai lần mà thành công. Đến Lý Bí lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành độc lập năm 544 đã xưng hoàng đế: Lý Nam Đế - ngang hàng với hoàng đế phương Bắc. Đây là một bước phát triển mới của ý chí quyết giành độc lập dân tộc, đặt vị thế nước ta ngang hàng với Trung Quốc, không chấp nhận quan hệ “phiên thuộc” với “thiên triều”.
Chính ý chí quyết tâm giành lại nền độc lập dân tộc, trở lại với “Nghiệp Hùng” lưu tồn và ngày càng được vun đắp bằng xương máu trong hàng trăm năm đã trở thành sức sống lâu bền, không thế lực nào, hoàn cảnh nào làm mai một. Chính giá trị tinh thần ấy là nguồn gốc sâu xa nhất để dân tộc ta thoát khỏi đêm trường nô lệ. Chiến thắng Bạch Đằng (năm 938) là bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Kết thúc trên mười thế kỷ đấu tranh gian khổ hy sinh, bất khuất của nhân dân ta, đất nước ta bước sang kỷ nguyên mới. Tinh thần tự tôn, tự lập, tự cường, qua thử thách đã được bồi bổ, nền độc lập ngang hàng với các nước lớn mạnh khác được khẳng định hiên ngang.
Bắt nguồn từ nền văn hoá lâu đời, được giữ gìn qua hơn mười thế kỷ bị đô hộ, từ thế kỷ XI, do yêu cầu của cuộc sống mới, nền văn hoá Thăng Long ra đời. Văn hoá Thăng Long có nét đặc sắc, đó là sự bảo tồn, khôi phục, phát triển những tinh hoa văn hoá dân tộc cổ truyền, đồng thời hấp thụ có chọn lọc và Việt hoá những giá trị văn hoá Trung Quốc, ấn Độ và các dân tộc lân bang khác. Nền văn hoá này là giá trị tinh thần để dân tộc ta phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực và bảo vệ vững chắc nền độc lập, thống nhất quốc gia.
Nói đến tinh thần tự tôn, tự lập dân tộc ta ở giai đoạn văn hoá Đại Việt, không thể không nói đến “Bài thơ thần - Nam quốc sơn hà” của Ký Thường Kiệt xuất hiện trong cuộc kháng chiến chống Tống thế kỷ XI. “Bài thơ thần” được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta: “Sông núi nước nam vua Nam ở. Điều đó đã được định rõ tại sách của trời. Cớ sao lũ giặc còn đến xâm lược? Rồi xem, các người sẽ chuốc lấy thất bại!” Bài thơ bất hủ trên là một lời tuyên bố đanh thép của dân tộc ta: khẳng định quyền độc lập thiêng liêng bất khả xâm phạm, ngang hàng với các dân tộc khác. Qua cuộc đấu tranh lâu dài và chiến thắng quân xâm lược phương Bắc, dân tộc ta đã cảnh cáo nghiêm khắc mọi âm mưu xâm lược của ngoại bang.
Thế kỷ XIII, đế quốc Mông Nguyên với những đoàn quân xâm lược khét tiếng thiện chiến và tàn bạo, đánh đâu thắng đó, chinh phục nhiều quốc gia, lập thành một đế quốc rộng lớn từ bờ biển Thái Bình Dương đến bờ Hắc Hải. So đế quốc Mông Nguyên với nước “An Nam nhỏ bé” có khác nào đặt hòn núi đá lên trên quả trứng! Thế mà trong 30 năm, đế quốc Mông Nguyên đã ba lần xuất quân xâm lược Đại Việt với cả quyết tâm trả thù, nhưng cả ba lần đều thất bại thảm hại. Sức mạnh chiến thắng của Đại Việt do đâu? đó là ý chí độc lập tự do, là tinh thần tự tôn, tự lập, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta lại được kết tụ và được thể hiện bằng lời vang vọng muôn người như một đồng thanh “Quyết đánh” trong Hội nghị Diên Hồng (1285), thể hiện bằng lời: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin chém đầu thần trước đã” (Trần Quốc Tuấn), bằng hình ảnh người thiếu niên Trần Quốc Toản bóp nát quả cam mà không biết chỉ vì chưa đủ tuổi cầm quân đánh giặc. Truyền thống tự tôn, tự lập dân tộc thường trực trong mỗi người dân Đại Việt được chuyển hoá thành ý chí, thành năng lượng sức mạnh vật chất được thích bằng chữ “Sát Thát” trên cánh tay mỗi binh sĩ.
Đặc biệt đến thời Lê, đỉnh cao của văn minh Đại Việt trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội, văn hoá, khoa học… đều phát triển rực rỡ. ý thức tự tôn, tự lập, tự cường dân tộc càng phát triển mạnh mẽ, thể hiện một dân tộc đã trưởng thành, tự tin ở chính mình.
Nguyễn Trãi đã viết bài Bình Ngô đại cáo, trong đó nêu bật yếu tố nền tảng của sự tồn tại, phát triển đất nước: Như nước Đại Việt ta từ trước. Thật là một nước văn hiến từ lâu đời. Bờ cõi sông núi đã riêng. Phong tục Bắc - Nam cũng khác… Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Mà hào kiệt không bao giờ thiếu. Như thế, theo ông, một nước độc lập bao giờ cũng gồm ba yếu tố căn bản: Có lãnh thổ riêng, có nền văn hoá riêng và có những người “hào kiệt”, “những mưu trí, tài thức” - trải qua các đời Hán, Đường, Tống Nguyên của Bắc quốc, thì Đại Việt cũng qua các triều Đinh, Lý, Trần… cùng tồn tại độc lập bên nhau. Nước Đại Việt lúc mạnh, thắng được ngoại xâm, cũng có lúc yếu bị Bắc quốc xâm lược, đô hộ, nhưng anh hùng hào kiệt, tiêu biểu của nền độc lập tự chủ thì bao giờ cũng có, bảo đảm cho xã tắc muôn đời bền vững.
Thế kỷ XVI, giai cấp phong kiến Việt Nam suy tàn dần. Nạn cát cứ nội chiến kéo dài làm cho đất nước suy yếu, nhân dân khổ đau, nạn ngoại xâm rình rập. Trong các thế lực suy tàn phản động ấy, cũng có người vẫn giữ được tinh thần tự tôn dân tộc. Mạc Ngọc Liễn - một viên tướng cao cấp của nhà Mạc, trước khi chết đã dặn lại: “Nhất thiết không được mời người Minh vào nước mình để đến nỗi dân ta phải lầm than”. Ông phân tích rằng: “Nếu nhà Lê đánh bại được nhà Mạc, giữ đất đai nước ta, đó là trời ủng hộ nhà Lê; khi trời đã ủng hộ nhà Lê thì phải để cho nhà Lê làm chủ đất nước ta, nhà Mạc không thể dựa vào việc đưa quân Minh vào đánh nhà Lê để hòng đưa nhà Mạc làm chủ đất nước được. Đưa quân Minh vào, không những nhà Lê có thể bị nhà Minh đánh bại, ngay nhà Mạc cũng bị nhà Minh thống trị mà thôi, kết quả dân tộc ta sẽ mất quyền làm chủ”.
Thế kỷ XVIII là thế kỷ của nông dân Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn sau khi đã hoàn thành cuộc đấu tranh giai cấp, đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn đem lại thống nhất quốc gia, đã tiến lên làm nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trước lúc xuất quân đánh quân Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ đã tuyên bố khẳng định một nguyên tắc hiển nhiên trong quan hệ các quốc gia dân tộc: “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc, chia nhau mà cai trị… Nam Bắc riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài… Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy, ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng”.
Trong lịch sử nước ta, các triều vua trước đây đều được thiết lập trên cơ sở thắng lợi của một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hoặc các vương triều thay thế nhau thì sau khi thiết lập, đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc, củng có thống nhất quốc gia. Đó chính là cơ sở chủ yếu tạo nên sức mạnh và sự tiến bộ của các vương triều. Triều Nguyễn được khôi phục đầu thế kỷ XIX trên cơ sở sự thắng thế của một thế lực phong kiến suy tàn, dựa vào thế lực ngoại bang. Vì thế, triều Nguyễn đã đối lập với nhân dân, không khơi dậy được sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Văn hoá giữ nước của dân tộc ta nửa cuối thế kỷ XIX lại mang sắc thái khác. Mặc dù triều đình nhà Nguyễn hèn yếu, nhưng đông đảo nhân dân ta vẫn giữ vững và nối tiếp truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, nêu cao ý chí tự tôn, tự lập, tự cường, tự đứng lên khởi nghĩa chống Pháp xâm lược, chống cả triều đình phong kiến đầu hàng.
Trương Định, một nhà nho yêu nước, đã không tuân lệnh đầu hàng giặc của triều đình, đã trả lời: “Triều đình hoà nghị thì cứ hoà nghị, việc Định làm thì cứ làm Định không nỡ ngồi nhìn giang sơn chìm đắm”. Các tấm gương Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng… đã thể hiện rằng: trong sâu thẳm mỗi con người Việt Nam, cái ý thức con Lạc, cháu Hồng một thời hào hùng vẫn còn đó.
Vì yêu nước, vì ý chí độc lập, tự tôn dân tộc, những người yêu nước Việt Nam sẵn sàng từ bỏ cả gia tài nho học của mình, học hỏi, tiếp thu những tư tưởng mới để tìm con đường cứu nước. Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và đỉnh cao là Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh là tiêu biểu cho những con người như vậy. Cũng bắt đầu từ lòng yêu nước truyền thống, Nguyễn ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, Người đã tiếp thu được lý luận cách mạng của thời đại - chủ nghĩa Mác - Lênin và đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn - con đường cách mạng vô sản. Từ đây lòng yêu nước của người Việt Nam đã mang sắc thái mới - đặc trưng của thời đại - gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. ý thức tự tôn, tự lập, tự cường dân tộc được củng cố trên cơ sở niềm tin vững chắc vào sự nghiệp giải phóng, vào tiền đề của dân tộc.
Ý chí “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng giành cho được độc lập dân tộc” của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 - 1945; tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; hình tượng người chiến sĩ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cuộc kháng chiến chống Pháp là sự thể hiện hùng hồn của lòng yêu nước Việt Nam, của ý thức tự tôn, tự lập, tự cường dân tộc, mãi mãi là bức tượng đài về một cuộc kháng chiến mà mỗi người dân Việt Nam đều sẵn sàng chiến đấu hy sinh và độc lập tự do của Tổ quốc.
Đế quốc Mỹ - tên đế quốc đầu sỏ, có bộ máy chiến tranh hiện đại khổng lồ, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với sự khẳng định: “Không có lý do gì khiến chúng ta không thắng nếu đó là quyết tâm của chúng ta”. Lời của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là lời của non nước, là lời của ông cha với tinh thần tự tôn dân tộc từ ngàn xưa và là lời của thế hệ Hồ Chí Minh đã tạo sức mạnh cho dân tộc ta quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Lòng yêu nước mà biểu hiện cao nhất của nó là tinh thần tự tôn, tự lập, tự cường là một nội dung tiêu biểu của văn hoá giữ nước Việt Nam. Nội dung này vừa hiện hữu, vừa lung linh trong đời sống của dân tộc. Đó là “hồn dân tộc”, tiềm ẩn bên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng như trong mỗi con người sống trên mảnh đất này và khi được khơi dậy sẽ trở thành sức mạnh vô địch trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào. Tinh thần tự tôn dân tộc trong văn hoá giữ nước Việt Nam đã hình thành, phát triển qua hàng ngàn năm, đã trở thành, cốt cách, bản sắc của dân tộc. Giá trị này sinh ra từ trong điều kiện, địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội qua các thời đại lịch sử khác nhau. Nó có tính chất bền vững trường tồn và vĩnh hằng của đất nước, nhưng cũng có tính biến động theo sự phát triển của thời đại, của cơ sở chế độ xã hội hiện thời. Thế hệ đương đại có trách nhiệm trước lịch sử, trân trọng, giữ gìn, phát triển làm phong phú thêm và nâng lên tầm cao mới truyền thống yêu nước và đoàn kết của để dân tộc ta “ muôn thủa thái bình”, “xã tắc muôn đời bền vững”.
Nguyễn Thái
Nguồn: Đấu trường dân chủ
PHẢN HỒI